Cổ vũ ơn gọi Làm sao để hiểu rõ chính mình? Một linh mục dạy thần học tại chủng viện, từng được yêu mến và kính trọng, đã rời bỏ thiên chức linh mục trong những năm đầu tôi còn trong thời gian đào tạo tại chủng viện vì vướng vào những mối quan hệ bê bối nghiêm trọng. Sự ra đi của ngài cùng với vụ tai tiếng ấy đã khiến nhiều người trong chúng tôi - những học trò của ngài - bàng hoàng, thất vọng và chán nản. Có người đã nhận xét: “Ngài am hiểu thần học và Kinh Thánh, nhưng có lẽ chưa hiểu rõ chính mình.” Những lời ấy vẫn vang vọng trong tâm trí tôi, nhắc nhở tôi về tầm quan trọng không thể thiếu của sự tự hiểu biết trong đời sống thiêng liêng và trong bất kỳ ơn gọi nào. Chúng ta không thể dấn thân trọn vẹn vào ơn gọi của mình nếu không có sự hiểu biết đầy đủ về bản thân. Khi không nhìn nhận đúng đắn những thất bại và thành công trong quá khứ, những điểm mạnh và điểm yếu, giới hạn và khả năng của mình, chúng ta sẽ đặt cam kết ơn gọi vào tình trạng nguy hiểm. Chúng ta không thể phớt lờ những cảm xúc đi kèm với hành động của mình, những khuynh hướng tự hủy hoại, cùng với niềm hy vọng và động lực để trung thành với ơn gọi của mình. Tự Hiểu Biết Qua Cái Nhìn Của Thiên Chúa Ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy thị kiến về vinh quang của Thiên Chúa. Ông không tự xem mình là một trong những seraphim trung tín đang tôn thờ Thiên Chúa, mà khiêm tốn thú nhận sự bất xứng của mình khi được đứng trước nhan Ngài: “Khốn thân tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, sống giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà tôi đã được thấy Đức Vua, Đức Chúa các đạo binh!” Đáp lại lời thú nhận này, Thiên Chúa thanh tẩy ông và trao cho ông sứ vụ. Isaia chỉ thực sự sẵn sàng cho sứ mệnh của mình khi ông đạt được sự tự hiểu biết: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6:1-2, 3-8). Tương tự, thánh Phêrô không bị cuốn theo phép lạ mẻ cá lạ lùng do Chúa Giêsu thực hiện. Trái lại, ngài ý thức sâu sắc về tội lỗi của mình và ân sủng khi có Chúa Giêsu ở trong thuyền. Ngài thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi.” Và cũng như với Isaia, Chúa Giêsu trao sứ vụ cho Phêrô ngay khi ngài đạt đến sự tự hiểu biết đúng đắn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Sau đó, “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5:1-11). Anh chị em thân mến, sự sẵn sàng, lòng trung thành và sự kiên trì của chúng ta trong ơn gọi phụ thuộc rất nhiều vào sự tự hiểu biết của chúng ta - và sự phát triển liên tục của chúng ta trong sự tự hiểu biết đó theo thời gian. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể có được nó? Làm thế nào chúng ta có thể hiểu rõ hơn về bản thân mình? Có ba phương cách quan trọng để đạt được sự tự hiểu biết: 1. Hướng Nhìn Về Chúa Giêsu Như Công đồng Vatican II đã khẳng định trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes: “Thực vậy, chỉ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, mầu nhiệm con người mới thật sự được sáng tỏ... Chính Đức Kitô đã mạc khải con người cho con người và cho họ thấy ơn gọi cao cả nhất của họ” (số 22). Thánh Phaolô đạt được sự hiểu biết đúng đắn về bản thân bằng cách nhìn vào Chúa Giêsu và những gì Chúa Giêsu đã làm cho ngài qua cái chết và sự phục sinh. Thánh Phaolô biết rằng ngài được Thiên Chúa yêu thương vì “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15:3). Ngài cũng nhận thức được sự bất xứng của mình: “Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì tôi đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1Cr 15:9). Nhưng đồng thời, ngài cũng xác tín về ân sủng Thiên Chúa ban cho mình: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” (1 Cr 15:10). Khi chúng ta hướng nhìn Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta nhận ra mình là những tội nhân được yêu thương, luôn có thể đón nhận ân sủng của Thiên Chúa bất cứ lúc nào để làm điều thiện. Chỉ bằng cách chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể thấy chính mình theo cách Thiên Chúa nhìn chúng ta. Nhưng khi rời mắt khỏi Ngài, chúng ta đánh mất cái nhìn ấy - hoặc không còn thấy và thừa nhận tội lỗi của mình, hoặc đánh mất căn tính đích thực là con cái của Thiên Chúa. Khi không đặt nền tảng căn tính của mình nơi Đức Kitô, chúng ta dễ dàng dựa vào một nhận thức sai lệch về bản thân, dựa trên của cải, địa vị, công việc, thành công, thất bại hoặc ý kiến của người khác. Những điều này không thể định nghĩa con người chúng ta cách trọn vẹn - thậm chí có thể là sai lầm - và chỉ dẫn chúng ta xa rời sự thật, hạnh phúc và sự viên mãn đích thực. 2. Suy Ngẫm Về Cách Mình Ứng Xử Trong Đau Khổ Chúng ta không bao giờ thực sự biết mình là ai nếu chưa trải qua đau khổ. Khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ, theo đúng ý muốn và kế hoạch của mình, chúng ta rất dễ có một cái nhìn cường điệu về sự tốt lành của bản thân. Nhưng thử thách sẽ giúp ta nhận ra con người thật của mình. Đau khổ có thể bóc trần những lớp vỏ mà ta vẫn khoác lên mình hằng ngày và giúp ta thấy được những yếu đuối, những bất toàn của bản thân. Nhưng chính trong đau khổ, Chúa mời gọi chúng ta kết hợp nỗi đau của mình với Ngài để nhận ra rằng chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài. Nếu biết chú ý và suy ngẫm, những giây phút đau khổ có thể trở thành những cơ hội để ta hiểu rõ hơn về chính mình và trưởng thành hơn trong ân sủng của Chúa. 3. Đón Nhận Ơn Gọi Của Mình Một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng trong ơn gọi là khi ta ngày càng hiểu rõ hơn về chính mình. Càng bước theo ý Chúa, ta càng nhận ra rõ hơn đâu là ân sủng của Ngài trong cuộc sống, đâu là tội lỗi của mình, và đâu là quyền năng của ân sủng Chúa đang hoạt động trong ta. Nếu khước từ ý Chúa và theo đuổi ý riêng, ta sẽ rơi vào hoang mang, mất phương hướng. Khi đó, ta dễ dàng để thế gian, ma quỷ, hoặc chính tội lỗi của mình định nghĩa con người ta. Kết Luận Mỗi khi tham dự Thánh Lễ hay chầu Thánh Thể, hãy mang theo tâm tình này: xin Chúa giúp ta biết mình và hiểu rõ căn tính đích thực của mình. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể tỏ lộ con người thật của chúng ta. Ngài mời gọi ta bước vào sứ vụ của Ngài và chia sẻ trong những đau khổ của Ngài. Khi ta đón nhận và sống theo tiếng gọi ấy, ta sẽ ngày càng hiểu rõ chính mình, để rồi mở lòng ra trước ân sủng của Chúa. Chỉ khi đó, ta mới có thể trao hiến bản thân cách trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân trong ơn gọi mà Chúa đã ban cho ta. Tác giả: Fr. Nnamdi Moneme, OMV Nguồn: Catholicexchange Chuyển ngữ: Lm. Giuse Phan Hoàng Nguyễn, RCJ - Dòng Tông Đồ Ơn Gọi Ngày 28 tháng 2 Năm 2025 Bài liên quan Những lời khen là kẻ âm thầm giết chết đời tu Đức Thánh Cha nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến Cầu nguyện, Chầu Thánh Thể và quay lại với những nguyên tắc cơ bản của đức tin được xem là cách khuyến khích ơn gọi Vai trò của Lòng Biết Ơn trong Đời Sống Thánh Hiến Ơn Gọi Linh Mục: con đường hy vọng và phục vụ Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người Tu sĩ - Linh mục Kinh Lạy Cha và Lời Cầu Nguyện “Hãy Xin” Lời cảm ơn xuất phát từ con tim